Thương mại xuất khẩu

Xuất khẩu là gì?

Xuất khẩu là việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ của một quốc gia sang các quốc gia khác.

Đây không phải là hoạt động bán hàng đơn lẻ mà là một hệ thống bán hàng có tổ chức, có sự giám sát quản lý của cấp nhà nước cả bên trong lẫn bên ngoài với mục đích thu lợi nhuận, tăng thu ngoại tệ, phát triển nền kinh tế quốc gia,…

Theo Luật thương mại 2005, điều 28 khoản 1 thì khái niệm xuất khẩu hơi mang tính vĩ mô hơn. Cụ thể: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, các hoạt động xuất khẩu được diễn ra trên cơ sở thanh toán bằng tiền tệ của một trong 2 quốc gia, hoặc lấy đồng tiền của một bên thứ 3 làm căn cứ. Ví dụ, Việt Nam xuất hàng sang Đài Loan thì có thể giao dịch bằng tiền Việt Nam (đồng nội tệ), tiền Đài Loan hoặc sử dụng đồng USD (đồng ngoại tệ). Thông thường đồng USD sẽ phổ biến hơn cả trong hầu hết các hoạt động xuất khẩu trên thế giới.

Các hình thức xuất khẩu phổ biến

Xuất khẩu trực tiếp

Là hình thức xuất khẩu thông dụng hàng đầu hiện nay. Theo đó, bên mua hàng và bên bán hàng sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng ngoại thương với nhau. Với điều kiện hợp đồng này phải tuân thủ và phù hợp với pháp luật của từng quốc gia, đồng thời đúng tiêu chuẩn của điều lệ mua bán quốc tế.

Bên bán hàng có thể là đơn vị trực tiếp sản xuất ra mặt hàng, hoặc là công ty thương mại thu gom hàng trong nước rồi ký kết hợp đồng ngoại thương với đơn vị nước ngoài.

Dạng xuất khẩu trực tiếp có thể được áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ. Ưu điểm của phương thức này là các doanh nghiệp sẽ được chủ động hơn trong hoạt động trao đổi, mua bán.

Xuất khẩu gián tiếp (ủy thác)

Nếu áp dụng hình thức xuất khẩu này, bên bán hàng sẽ ủy thác quyền cho một đơn vị khác để thực hiện các thủ tục xuất khẩu. Bên nhận ủy thác lúc này sẽ đứng ra thực hiện hợp đồng ngoại thương với danh nghĩa của mình.

Đơn vị nhận ủy thác và bên chủ hàng sẽ ký hợp đồng xuất khẩu ủy thác với nhau. Tiếp đó, đơn vị được ủy thác sẽ ký hợp đồng xuất khẩu, triển khai làm các thủ tục, giao hàng, thanh toán với bên mua hàng ở nước ngoài thay cho chủ hàng. Họ sẽ nhận được một mức phí dịch vụ xuất khẩu ủy thác tương ứng.

Hình thức ủy thác xuất khẩu này thường được các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập sử dụng. Bởi lúc này họ chưa có đủ kinh nghiệm về thị trường xuất khẩu, cũng như có những hạn chế về nhân lực, rào cản thủ tục, quy định nhà nước,…

 

thương mại xuất khẩu

Gia công xuất khẩu

Đây là hình thức xuất khẩu đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ gần đây. Với loại hình này, thì công ty trong nước sẽ đóng vai trò như đơn vị gia công. Cụ thể họ sẽ nhận tư liệu sản xuất từ nước ngoài như máy móc, nguyên vật liệu. Sau đó sẽ dựa vào đơn đặt hàng để sản xuất hàng hóa theo yêu cầu. Số lượng hàng được sản xuất ra sẽ căn cứ chỉ định của người đặt hàng mà xuất khẩu ra nước ngoài.

Việt Nam là một trong những nước phát triển mạnh mẽ về gia công xuất khẩu. Sở dĩ được nhiều quốc gia chọn lựa là bởi Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ. Xét về khía cạnh chủ nhà, gia công xuất khẩu tạo điều kiện để người lao động có công ăn việc làm, nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ mới. Lĩnh vực gia công xuất khẩu phổ biến hiện nay ở nước ta là da giày, dệt may, điện tử…

Xuất khẩu tại chỗ

So với các loại hình xuất khẩu cơ bản, thì xuất khẩu tại chỗ là hình thức khá tiện lợi và được ưa chuộng bởi những ưu thế nổi bật. Người mua vẫn là một công ty nước ngoài, nhưng hàng hóa không cần phải vượt qua biên giới quốc gia mà hoạt động xuất khẩu thực hiện ngay trên lãnh thổ của đơn vị bán hàng.

Ưu điểm: Do không phải làm các thủ tục hải quan, mua bảo hiểm, thuê giao nhận vận tải,… nên doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Ví dụ, công ty A tại Việt Nam bán lô hàng cho một công ty B nước ngoài có chi nhánh/kho hàng tại Hải Phòng, Việt Nam. Công ty A được yêu cầu giao hàng tới địa chỉ kho hàng của công ty B mà không cần xuất khẩu ra nước ngoài thì được xem là hình thức xuất khẩu tại chỗ.

Xuất khẩu theo nghị định thư giữa các Chính phủ

Thường diễn ra giữa các quốc gia có mối quan hệ mật thiết. Chính phủ hai bên sẽ tiến hành ký kết nghị định (thường là để gán nợ). Các doanh nghiệp trong nước sẽ dựa vào văn bản ký kết với các chỉ định và hướng dẫn cụ thể để thực hiện xuất khẩu hàng hóa.

Quy trình xuất khẩu hàng hóa

Giai đoạn 1: Trước khi ký hợp đồng

Đây là một trong những bước quan trọng nhất, tại giai đoạn này, những nội dung cần xác định bao gồm:

Hàng hóa có được xuất khẩu hay không? Hay hàng hóa có thuộc danh mục cấm xuất khẩu của nhà nước hay không?

Nếu hàng hóa không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, các nội dung tiếp theo cần xác định:

  • Nhà nước có chính sách gì đặc biệt quy định về xuất khẩu mặt hàng này không (có cần giấy phép, hợp quy, kiểm tra chất lượng …)

Chi phí và thời gian xuất khẩu:

  • Thuế khi xuất khẩu: bao gồm thuế xuất khẩu và thuế VAT. Tùy vào từng loại hàng hóa sẽ có mức quy định thuế riêng
  • Chi phí vận chuyển: Tùy tính chất hàng hóa và mức độ yêu cầu thì hàng hóa xuất khẩu quốc tế có thể vận chuyển theo đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường chuyển phát nhanh. Mỗi lô hàng cần xem xét cụ thể để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Các chi phí vận chuyển thông thường gồm các phần chính: Chi phí vận chuyển từ kho/nhà máy ra cảng; chi phí local charge tại cảng (nâng hạ/ sắp xếp hàng tại bãi; THC, phí seal..); chi phí liên quan thông quan; cước vận chuyển quốc tế …….

Ngoài ra có thể có các chi phí như chi phí bảo hiểm, chi phí làm C/O, chi phí hun trùng, kiểm dịch …

Giai đoạn 2: Ký hợp đồng

Để ký kết hợp đồng, các bên cần xem xét cẩn thận tất cả các điều khoản, trong đó những điều khoản cần chú ý (dưới góc độ vận chuyển, thủ tục hải quan) bao gồm: Thanh toán, thời gian giao hàng, chất lượng và xác nhận chất lượng; chứng từ thanh toán; chứng từ vận chuyển…

Giai đoạn 3: Giao hàng

Căn cứ vào hợp đồng đã ký, người xuất khẩu tiến hành giao hàng theo tiến độ.
Tùy theo điều kiện giao hàng đã ký mà người bán có thể thực hiện một hoặc toàn bộ quá trình giao hàng như sau:

+ Xếp hàng lên phương tiện vận chuyển tại xưởng

+ Chở hàng từ xưởng ra cảng/sân bay/cửa khẩu

+ Giao hàng tại kho/bãi tại cảng/sân bay/cửa khẩu

+ Làm thủ tục hải quan

+ Vận chuyển quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài

+ Làm thủ tục thông quan tại nước ngoài

+ Giao hàng vào kho/bãi tại cảng/sân bay ở nước ngoài

+ Giao hàng đến địa chỉ của người nhập khẩu

Trước khi giao hàng, cần lưu ý dán shipping mark cho hàng hóa.

Giai đoạn 4: Yêu cầu thanh toán

Sau khi hàng lên tàu/máy bay người xuất thông báo cho người mua và yêu cầu thanh toán.
Tùy quy định của hợp đồng mà người bán sẽ đem chứng từ ra ngân hàng yêu cầu thanh toán hoặc gửi trực tiếp chứng từ cho người mua qua đường bưu điện.

Bộ chứng từ thông thường bao gồm: Hợp đồng, invoice, packing list, vận đơn, CO, và một số chứng từ khác (kiểm dịch, hun trùng, xác nhận chất lượng…) theo yêu cầu của người mua.

Giai đoạn 5: Sau khi thông quan

Sau khi hàng hóa được thông quan, chủ hàng cần lưu trữ chứng từ hải quan đầy đủ, theo quy định để làm việc sau này với cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan (trong trường hợp sau thông quan).
Hàng hóa xuất khẩu hiện nay có thuế VAT 0% do đó VAT đầu vào có thể được khấu trừ hoặc hoàn thuế. Do đó, người xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý việc lưu trữ chứng từ để việc hoàn thuế được thuận lợi.

Lưu ý: đối với hàng hóa cần phải xin giấy phép xuất khẩu, doanh nghiệp cần xin giấy phép trước khi giao hàng làm thủ tục thông quan.

 

DIMEX LOGISTICS

Hotline: 096 918 73 59

Email: dimexlogistics.contact@gmail.com

Fanpage: Dimex Logistics

Website: https://dimexlogistics.com/

Địa chỉ: 79 Nguyễn Khánh Toàn, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội

59 Nguyễn Hữu Thọ, Tân Hưng, Quận 7, Hồ Chí Minh